Bộ sưu tập áo dài xưa thời Nguyễn cho nam giới

Thái Kim Lan

 *** 
Bộ sưu tập áo dài xưa thời Nguyễn cho nam giới


Nam phục xưa trong hình thể áo dài khăn đóng may theo cách xưa đúng nguyên bản triều Nguyễn hầu như mất tích. Ngoài những bộ triều phục, hoàng bào của nhà vua, hoàng tử còn được lưu giữ ở các bảo tàng đó đây, và tôi cũng được giữ trong bộ sưu tập “Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh“ đã được giới thiệu, nam phục cổ truyền cho mọi tầng lớp nam giới xuất hiện ngày nay trong các dịp lễ tế, đại tiệc, cưới hỏi đều là may lại, phiên bản nhái theo cách xưa. Lý do của sự họa hiếm, khó tìm được nam phục nguyên bản theo kỹ thuật cắt may của các thợ xưa triều Nguyễn đến từ phong trào cách tân y phục đã xảy ra ở Việt nam hầu như triệt để cho nam giới, khác với nữ giới. Từ những thập niên đầu thế kỷ 20, đàn ông, thanh niên Việt đã theo phong trào đổi mới Âu phục hầu như toàn diện, áo dài khăn đóng, áo lá quạ (áo ngắn), áo hò năm thân, quần rộng ống đã được thay thế bằng sơ mi ngắn, áo vét tông, cà vạt, quần tây. Búi tóc củ tỏi được cắt, nhường cho tóc ngắn rẻ giữa hay rẻ bên trái hoặc chải ngược ra phía sau gọn ghẽ. Chiếc khăn đóng được thay bằng mũ phớt, mũ cối, giày hạ được thay bằng giày tây, đế cứng theo kiểu thuộc địa. Có thể nói cuộc cách tân đã thành công toàn diện nhất là ở thành phố, còn thôn quê thì chỉ giữ lề lối cũ trong các dịp lễ lược, lại còn bị báo chí chế diễu. Không còn ai quan tâm đến y phục cũ một cách trân trọng, cho nên ít có gia đình để tâm đến việc gìn giữ y phục nam giới kiểu xưa. Ngoài lý do chính trên, bể dâu chìm nỗi theo với lịch sử đất nước từ hơn một trăm năm đã xô giạt bao cuộc đời con người, bao gia đình trên khắp đất nước, sự tàn phá của thời gian và của cả con người qua bao cuộc chiến, người còn không giữ nổi huống chi là áo! Bởi thế bao lần, cuộc tìm lại áo xưa cũng như tìm kim đáy biển, hầu như vô vọng

 
***

Mới hơn Cũ hơn