Lịch sử Việt Nam có ba lần chống xâm lăng không thành công và chịu ách thống trị của ngoại bang - một nghìn năm Bắc thuộc, hơn hai mươi năm thuộc Minh và hơn tám mươi năm thuộc Pháp. Mỗi lần không thành công trong việc bảo vệ nền độc lập dân tộc đều có những căn nguyên không giống nhau do hoàn cảnh lịch sử từng thời kỳ quy định. Nhân Hội thảo khoa học về Triều Nguyễn, một lần nữa tôi muốn trình bày những căn nguyên đưa triều Nguyễn đến sư thất bại trong việc bảo vệ nền độc lập dân tộc - một tài sản tinh thần quý báu mà Tổ tiên để lại.
Trước hết, chúng ta truy tìm những căn nguyên khách quan. Điều này có nghĩa
là đi tìm chứng lý để, trong chừng mực nào đó, làm nhạt tội hay ít nhiều chạy tội
cho triều Nguyễn. Liên quan đến phạm vi này có hai vấn đề lớn cần phải được làm sáng tỏ thấu đáo và
thuyết phục: Triều Nguyễn để mất nước trong hoàn cảnh nào và đối tượng kháng
chiến của dân tộc ta lúc đó là ai ? Từ trước đến nay, các công trình lịch sử có
quy mô khác nhau, khi viết về vấn đề này, đều thống nhất đặt sự mất nước của
chúng ta trong không gian toàn cầu để nhìn nhận, để đánh giá. Đó là thời kỳ chủ nghĩa tư bản trên phạm
vi toàn thế giới đang
chuyển nhanh sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, giai đoạn tột cùng, như V.I
Lênin đã nhận định, thời kỳ các nước tư bản phát triển đua nhau xâm chiếm thuộc
địa. Các nước xung quanh, cùng trình độ phát triển như ta trước sau lần lượt
rơi vào tay các nước tư bản phát triển. Nhật chiếm Triều Tiên; Philippin rơi vào tay Tây Ban Nha; Hà
Lan chiếm Nam Dương; Ấn Độ,
Mã Lai, Miến Điện lọt
vào tay đế quốc Anh; Trung Quốc bị các nước đế quốc xâu xé. Từ đó đi đến một nhận
định chung có tính chất tổng quát, dầu là ngầm, rằng Việt Nam không thể tránh
khỏi số phận đó, nếu không phải thực dân Pháp thì là thực dân Anh, Tây Ban Nha,
Hà Lan, hoặc Đức ...